shadow

Thiếu hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội, không tạm trú đủ một năm, người lao động khó có thể mua nhà 100 triệu đồng ở Bình Dương.

 

Căn hộ 30 m2 giá 100 triệu đồng vừa được chủ đầu tư và chính quyền tỉnh Bình Dương bàn giao cho công nhân, người lao động nghèo trên địa bàn theo hình thức mua trả góp. Đã có gần 5.000 căn hộ được bàn giao, hơn 10.000 căn khác đang tiếp tục xây dựng. Thế nhưng, không phải công nhân, người lao động nào cũng có thể mua nhà.

Anh Nguyễn Quốc Dũng, bán hàng ngay chung cư xã hội Hòa Lợi, Bình Dương, chia sẻ, anh và vợ đến đây lập nghiệp nhiều năm nay. Dù buôn bán ở chung cư xã hội này nhưng gia đình anh đang thuê trọ ở  nơi khác. Giá thuê phòng mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Số tiền trọ này cao hơn mức các hộ mua nhà đang trả góp 100.000 đồng.

Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ trên dưới 5 triệu đồng nên chuyện mua nhà thương mại để an cư là điều không tưởng.

"Từ khi biết có dự án nhà ở xã hội ưu tiên cho người lao động nghèo, tôi đã 'canh' và nộp hồ sơ ngay, mong được xét mua. Nhưng hồ sơ của tôi không được duyệt, vì hai vợ chồng đều không có hợp đồng lao động", anh Dũng nói.

Theo anh, khá khó khăn để những hộ gia đình như anh được xác nhận hộ nghèo. Lý do là anh chỉ được đăng ký tạm trú. Do vậy, dù rất muốn mua căn hộ 100 triệu đồng và đủ khả năng trả góp, nhưng vợ chồng anh không thể mơ tới.

Cũng theo anh Dũng, ngoài người dân địa phương, chỉ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất có đủ các điều kiện quy định mới được xét mua. Song, với mức lương vài triệu mỗi tháng như như hiện nay, công nhân còn phải dành tiền chi tiêu, ăn uống hàng tháng, số người mua nhà sẽ không nhiều.

Từ 2 năm nay, thông tin căn hộ giá 100 triệu đồng trả góp hàng tháng bằng với tiền thuê nhà được quảng cáo quanh những khu nhà trọ công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Người lao động nghèo khá hào hứng. Rất nhiều người khẳng định sẽ tích cóp, tiết kiệm chi tiêu để mua nhà, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khi nhìn các thủ tục, hồ sơ quy định điều kiện, đối tượng được duyệt mua thì không ít người ngao ngán.

Rất nhiều người khẳng định sẽ tích cóp, tiết kiệm chi tiêu để mua nhà, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khi nhìn các thủ tục, hồ sơ quy định điều kiện, đối tượng được duyệt mua thì không ít người ngao ngán.

 Chị Thu Cúc (quê Thanh Hóa) nam tiến lập nghiệp đã 4 năm nay. Chị phải tất bật với vô số công việc, từ phụ hồ đến làm công nhân. Không biết luật, cũng không chú ý đến việc đăng ký tạm trú hay hợp đồng lao động, chị chỉ biết đến tháng lĩnh lương. Nhưng điều quan trọng nhất giờ chị mới vỡ lẽ, là chưa có chỗ nào chị làm được tròn năm.

"Khi nghe chương trình nhà ở xã hội này, tôi mừng lắm. Với số tiền tiết kiệm mấy năm đi làm và mức lương hiện tại, tôi nghĩ mình sắp có nhà để ở, thoát cảnh trọ nay đây mai đó. Nhưng khi làm hồ sơ, tôi mới biết mình không được mua. Hồ sơ xin mua nhà thiếu đủ thứ, như thời gian đăng ký tạm trú còn 'nợ' đến 6 tháng; hợp đồng lao động phải 7 tháng nữa mới được tròn năm. Tôi đành mang hồ sơ về, cố gắng giữ công việc ổn định, mong đến đợt sau có thể mua”, chị Cúc nói.

Trong khi đó, chị Trần Thị Hồng, nhân viên văn phòng đang sở hữu căn hộ 30 m2 ở khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, cho biết, chị đã đăng ký mua căn hộ cách đây 2 năm. Khi đó thủ tục rất đơn giản, chỉ cần có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú là mua được nhà.  

Cũng theo chị Hồng, căn hộ chị mua có diện tích sàn 20 m2, diện tích sử dụng 30 m2 do thêm một gác lửng. Với mức giá 100 triệu đồng, chị chỉ trả trước 20 triệu, số còn lại góp trong thời gian 5 năm. Hiện, hàng tháng số tiền chị trả chỉ bằng với tiền thuê nhà trước đây, khoảng 1,4 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Becamex IDC, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương, cho biết, nhà ở xã hội là mơ ước của nhiều hộ nghèo.

Sau khi bàn giao giai đoạn 1, với gần 5.000 căn, chủ đầu tư đang tiếp tục giai đoạn 2, với trên 10.000 căn. Trong đó dự án khu dân cư Đình Hòa sắp hoàn thiện đã có 700 khách hàng đóng tiền giữ chỗ, 500 khách hàng có đơn hợp lệ chuẩn bị ký hợp đồng mua bán.  

Cũng theo ông Hùng, mong muốn của chủ đầu tư là người nghèo có thể sở hữu được căn hộ phù hợp, để an cư. Nhưng Thông tư mới của Bộ Xây dựng quy định, người mua nhà ở xã hội phải có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội một năm trở lên. Điều này cũng là một trong những yếu tố khiến cho không ít người có khả năng mua nhưng hồ sơ không đáp ứng, đặc biệt là người mới đến sinh sống, làm việc tại Bình Dương.